Vốn là cư dân tại TP.HCM, nhưng có một động lực mãnh liệt đã thôi thúc chàng thạc sĩ kinh tế Trần Đức An quay về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình tại núi rừng Tây Nguyên để gầy dựng một “kho báu” dược liệu trong rừng sâu Tu Mơ Rông (Kon Tum). Vượt qua nhiều gian nan thử thách, hoài bão mà anh ấp ủ sẽ mở ra mùa vàng của loài sâm quý không chỉ ở tầm quốc gia: Sâm Ngọc Linh.
Dẫn đầu sách đỏ
Sâm Ngọc Linh là 1 trong 4 loại sâm quý nhất trên thế giới với nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe con người. Sâm Ngọc Linh được xếp vào loại sâm có nhiều dưỡng chất nhất hiện nay, vượt trội so với sâm Triều Tiên, Trung Quốc, Tây Dương… Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh có tác dụng rất to lớn trong việc nâng cao sức khỏe của con người, nhất là có hiệu quả trong việc phòng chống, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị những căn bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng, công dụng của sâm Ngọc Linh - ngay cả người Việt Nam cũng không nhiều người biết đến!
Loài dược liệu quý này cực kỳ hiếm, chỉ riêng có ở vùng núi cực cao thuộc một ít huyện của Kon Tum và Quảng Nam trong sơn hệ Ngọc Linh (có đỉnh cao 2.598m). Chỉ có thổ những, khí hậu, độ cao trên 1.500 mét ở vùng núi này, sâm Ngọc Linh mới có chất lượng tốt. Hiện nay, sâm Ngọc Linh chủ yếu phân bố tự nhiên ở vùng núi Ngọc Linh, nằm trên địa bàn 3 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Trà My của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Trên thực tế, cây sâm Ngọc Linh đã sớm cạn kiệt và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị săn lùng ráo riết sau ngày được phát hiện (1973) và được xếp đầu bảng trong Sách đỏ thực vật Việt Nam (1994). Do vậy, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum nói riêng và Việt Nam nói chung đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cấp thiết để bảo tồn “báu vật” này. Việc phát triển và nhân rộng cây giống sâm Ngọc Linh hết sức khó khăn. Thực tế đã có rất nhiều công bố khoa học là nhân giống sâm Ngọc Linh từ cấy mô thành công, nhưng việc ứng dụng trên thực tế vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Ngoài ra cách trồng sâm, cách chăm sóc sâm cũng đòi hỏi cả một quá trình khoa học, từ việc xới đất, gieo hạt, chăm sóc, tưới nước, di chuyển cây đi trồng, kinh nghiệm hiểu biết, quản lý khoa học.
Nỗ lực cứu cây sâm quý, từ những năm 1990, ngành chức năng ở Quảng Nam, Kon Tum đã lập những khu trồng sâm di thực ở quanh núi Ngọc Linh, vốn có độ cao và những điều kiện phù hợp cho sự phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Tỉnh Kon Tum đã hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh”. Đây cũng là dự án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2013.
Chính phủ cũng đã có chủ trương đưa sâm Ngọc Linh thành 3 sản phẩm dược liệu quốc gia. Tuy nhiên, chỉ khi một số vườn sâm được ươm trồng “bí mật” trong nhiều năm qua hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên giữa rừng già nguyên sinh được công bố, thì hướng phát triển bền vững cho người dân địa phương thông qua loài dược liệu này mới trở nên thực sự khả thi. Vượt qua hàng loạt những khó khăn, từ cơ chế tổ chức, chốt trồng sâm di thực ở cao điểm xa xôi, hẻo hút, đến mò mẫm kiếm tìm kỹ thuật nhân trồng, chăm sóc, cuối cùng, một số cá nhân và đơn vị đã không chỉ bảo tồn được nguồn gen mà còn phát triển sâm Ngọc Linh thành cây trồng kinh tế. Cụ thể là câu chuyện của anh thạc sĩ Trần Đức An.
Gian nan hiện thực hóa ước mơ
Góp sức đưa cây sâm Ngọc Linh có “chỗ đứng” trên thế giới, anh Trần Đức An đã có nhiều trăn trở, không chỉ muốn bảo tồn loại sâm quý hiếm của Việt Nam mà còn ước mơ được phát triển, xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh mang tầm quốc gia và thế giới.Người con ấy của núi rừng đã nhận thức được những công dụng cũng như giá trị kinh tế của loại thảo dược mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất quê mình. Anh đã hiện thực hóa ước mơ của mình bằng việc chú tâm xây dựng và phát triển một vườn sâm Ngọc Linh trồng theo hướng nông nghiệp hiện đại.
“Trồng một vườn sâm Ngọc Linh”: Nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu ai đã đến tận vườn sâm và nghe anh An chia sẻ mới thấy hết sự kỳ công. Khu vực trồng sâm phải là nơi đất tốt, có độ dầy tầng mùn từ 20-30cm, độ dốc phải dưới 30 độ, độ tàn che từ 0,7 đến 0,9m. Không chỉ thế, nơi trồng phải có khí hậu lạnh, ẩm quanh năm, tạo điều kiện tốt để sâm Ngọc Linh có thể sinh sống và phát triển. Có một vị khách khi đến thăm vườn sâm của anh An thừa nhận: “Bỏ ra tiền triệu để sở hữu sâm Ngọc Linh, tính ra còn quá rẻ so với giá trị và công sức mà người trồng đã đổ vào vườn sâm. Bởi để có được một ký sâm Ngọc Linh không phải dễ dàng, vì trong suốt bao năm trời chăm bón và giữ gìn, sâm dễ bị chết do thời tiết, thổ nhuỡng, không những thiên tai mà còn địch họa, trong khi chờ củ sâm lớn lên từng ngày nhưng nếu không bảo vệ kỹ thì sẽ bị lũ chuột xơi ngay”.
Thật vậy, anh An cho biết thêm: Nếu sâm không được vun trồng dưới bàn tay của những người thực sự tâm huyết, đam mê thì khó có thể được nhân rộng lên về số lượng.Để có được những cây sâm tốt, anh phải lặn lội qua bao núi rừng thâm sâu, đến tận những khu vườn nhỏ lẻ của người dân để mua giống. Phải được họ thật quý mến và mình phải tâm huyết lắm với sâm Ngọc Linh thì họ mới chịu bán cho hạt giống và những cây giống non khoảng 3 năm tuổi rồi mang về gieo trồng. Vấn đề đau đầu nữa mà anh An gặp phải như có nói ở trên, đó là vào mùa hạt sâm Ngọc Linh chín rộ, lũ chuột rừng thường tới cắn phá và ăn hạt, mặc dù đặt bẫy ngăn chặn nhưng vẫn không thể bắt hết giống “chuột quý tộc” này.
Vì chủ yếu phân bố ở vùng núi cao, điều kiện khí hậu đặc biệt nên khi ấp ủ khát khao xây dựng vườn sâm Ngọc Linh, anh An gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách. Ở lần trồng thử nghiệm đầu tiên tại khu vực huyện Đăk Glei, anh đã bị thất bại sau 6 tháng. Toàn bộ những giống cây con anh thu mua được có giá trị gần 300 triệu đồng đã bị mất trắng. Nguyên nhân là do độ ẩm của đất không phù hợp khiến cho củ sâm bị thối, một số rất ít còn lại thì không phát triển, sau một thời gian đã bị vàng lá và chết dần đi. Lần trồng sâm thứ hai, anh An tìm được nơi trồng sâm phù hợp tại huyện Tu Mơ Rông. Ở lần trồng này, cây sâm phát triển rất tốt trong năm đầu tiên, tỷ lệ sâm chết rất ít. Tuy nhiên, một vấn đề không may đã xảy ra, sau trận lũ lụt lớn đã quét toàn bộ những cây sâm đang phát triển xanh tốt theo dòng nước. Nguyên nhân là do quy trình tạo độ dốc không cao và công tác làm luống sai kỹ thuật. Sau hai lần trồng sâm thất bại, tiêu tốn hàng tỷ đồng và công sức nhưng anh An vẫn không nản chí quyết tâm làm lại lần ba.
Làm chủ được nguồn giống và xây dựng thương hiệu cho sâm
Rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu sau hai lần đầu thất bại, đến nay, anh An đã có được những thành công nhất định.Hiện vườn sâm Ngọc Linh của anh đã được mở rộng với diện tích khoảng 4 ha. Trong đó có 1 ha là sâm trồng 6 năm tuổi có thể thu hoạch được với trọng lượng khoảng 50 gram/củ, 3 ha còn lại là sâm từ 2 đến 4 năm tuổi đang phát triển xanh tốt, tỷ lệ hạt sâm trên cây khá cao khoảng 40-50 hạt. Anh An mừng rỡ cho biết đã có thể làm chủ được nguồn sâm Ngọc Linh giống thu hoạch từ hạt.
Trước thực trạng sâm Ngọc Linh tự nhiên có nguy cơ bị tuyệt diệt do nhu cầu sử dụng mà lượng khai thác ngày một tăng lên, vườn sâm Ngọc Linh trồng của anh An như một giải pháp để có thể bảo tồn và phát triển loại thảo dược vô cùng quý hiếm. Đồng thời, việc xây dựng vườn sâm Ngọc Linh cũng là bước đi căn cơ để góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, đồng thời giới thiệu quảng bá đưa sâm Ngọc Linh đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là những người già, người bệnh. Hơn hết, “Người Việt phải được dùng sâm Việt”, đó là mục tiêu lớn nhất của anh An nhằm góp phần quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao sức khỏe của người Việt.
Chỉ vài năm nữa là vườn sâm của anh An có thể thu hoạch. Ước tính, giá trị kinh tế của “báo vật thiên nhiên” này rất cao, với mức giá hiện tại của sâm trồng 25 triệu đồng/kg thì giá trị của khu vườn có thể lên đến gần 10 tỷ đồng và giá trị này ngày càng nhân lên theo thời gian. Nhờ áp dụng khoa học và kinh nghiệm thực tiễn vào vườn sâm nên nếu tung ra thị trường, đây thực sự là những lứa sâm Ngọc Linh trồng có chất lượng rất tốt. Để khẳng định chất lượng sâm của mình, anh An gửi một số củ sâm (có năm tuổi khác nhau) xuống Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM (thuộc Viện Dược Liệu – Bộ Y tế) để kiểm định chất lượng. Kết quả cho thấy hàm lượng saponin toàn phần đạt chất lượng rất cao, xấp xỉ như sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên.
Anh An cho biết, rất nhiều vị khách muốn mua sâm Ngọc Linh trồng của anh nhưng anh không bán, vì anh muốn giữ lại những lứa sâm đầu tiên để lấy hạt, nhân giống thêm nhiều nữa, nâng cao số lượng và chất lượng (tức để cho sâm được thêm nhiều năm tuổi), sau đó đầu tư sản xuất để tạo dựng thương hiệu, đưa sâm Ngọc Linh đến gần hơn với thị trường thế giới.Với những dự định trong tương lai, bước đầu anh đã xây dựng xưởng để chuẩn bị sản xuất một số chế phẩm về sâm mang như trà sâm Ngọc Linh, viên ngậm sâm Ngọc Linh, viên nang sâm Ngọc Linh, cao sâm Ngọc Linh và rất nhiều chế phẩm về sâm nữa đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Chiến lược của anh đang được thực hiện từng bước, từ nhà trồng, khai thác và trực tiếp chế biến để nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh. Anh Trần Đúc An tâm nguyện rằng, sản phẩm sâm Ngọc Linh của anh cố gắng có mức giá hợp lý để nhiều đối tượng có thể sử dụng, để sâm Việt Nam không còn là loại thảo dược ngoài tầm với của nhiều người, nhất là người Việt.